Tuổi thơ thiếu thốn
Nhìn những thành công của Châu Tinh Trì ngày hôm nay, khó có ai biết rằng từ nhỏ, cậu bé Châu Tinh Trì đã sống một cuộc sống thiếu thốn cả tình cảm lẫn vật chất. Năm 1957, ông ngoại bị quy là phần tử phản động, bị bắt giam, mẹ của Châu Tinh Trì phải di dân đến Hồng Kông để mưu sinh. Tại đây, bà gặp cha của Châu Tinh Trì, một người đến từ Thượng Hải. Họ kết hôn với nhau và sinh hạ được ba người con, 2 trai và một gái. Cậu thứ trong gia định ngụ cư này sinh vào ngày 22/06/1962 trong gia cảnh thiếu thốn. Khi cậu mới lên 7, cha mẹ đã ly hôn. Ba chị em ở với mẹ. Hồi đó, việc kiếm sống ở Hương Cảng rất khó khăn. Gánh nặng ăn học của cả hai anh em đều dồn vào vai người mẹ.“Hồi nhỏ tôi rất mê các món đồ chơi. Còn có lần lấy trộm của mẹ 50 đồng để mua đồ chơi. 50 đồng khi đó là cả một tháng sinh hoạt của gia đình. Kết cục mẹ về nhà tìm loạn cả lên mà không thấy. Cuối cùng mẹ hỏi chị em chúng tôi, nhưng tôi nhất định không chịu nhận. Sau đó, mẹ vẫn nghĩ là mẹ đánh mất số tiền đó. Tôi chỉ nhớ mẹ ngồi đó, không ngớt tự trách mắng mình. Nhìn mẹ chạy tới chạy lui, tự trách mắng mình không cẩn thận, tôi cũng không cầm được lòng. Nhưng lúc đó cũng không dám nhận lỗi, vì sợ bị đòn”.
Cuối cùng, Châu Tinh Trì dùng 50 đồng mua một món đồ chơi, nhưng không dám mang về nhà mà đem tặng bạn học. Nhưng từ đó về sau, cậu bé họ Châu đã biết lo lắng cho mẹ nhiều hơn.
Nhưng không vì cuộc sống thiếu thốn vật chất và tình cảm của người cha mà Châu Tinh Trì buồn bã, ngược lại còn lớn lên trong sự cương nghị và chí khí. Châu nói: “Ngày nhỏ tôi rất vui. Ngày ngày tôi ra công viên luyện võ, dường như không còn có thời gian mà buồn nữa”.
Ấp ủ ước mơ
Cũng như những đứa trẻ khác, cậu bé chín tuổi Châu Tinh Trì rất mê truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Cũng trong thời gian này, Lý Tiểu Long lần đầu tiên trở về Hồng Kông và ra mắt bộ phim đầu tiên, tạo nên một làn sóng mê công phu trong giới trẻ. Cả hai điều này có ảnh hưởng cực lớn đến cậu bé chín tuổi họ Châu. Bởi vì cả kungfu của Lý Tiểu Long và phim hoạt hình sau nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sáng tác nghệ thuật của Châu Tinh Trì.“Một lần mẹ dắt tôi đi xem chiếu bóng. Khi đó bộ phim “Đường sơn đại huynh” của Lý Tiểu Long vừa mới được công chiếu. Tuy đó là một rạp chiếu bóng rất cũ, nhưng ngay lập tức tôi đã bị điện ảnh hấp dẫn”. Ngay từ lần đầu tiên xem bộ phim của Lý Tiểu Long, cậu bé Châu Tinh Trì đã nuôi dưỡng mơ ước được một ngày thành ngôi sao võ thuật trên màn ảnh.
“Tôi cảm thấy cả người như muốn đảo lộn, bất giác nước mắt còn chảy khắp mặt. Lý Tiểu Long thật tuyệt vời, ông không chỉ võ nghệ cao siêu mà còn có tinh thần rất mạnh mẽ, kiên cường. Ngay từ lúc đó tôi đã mơ ước một ngày nào đó có thể trở thành một người như Lý Tiểu Long”.
Sau này, mơ ước được một ngày giống như Lý Tiểu Long, được đóng phim võ thuật chính là động lực thúc đẩy Châu Tinh Trì nhẫn nại tiến lên trong con đường nghệ thuật. Châu nói: “Lý Tiểu Long là tất cả đối với tôi vì thế tôi nhất định muốn trở thành một người như Lý Tiểu Long. Trở thành một cao thủ kungfu là tâm nguyện cao nhất của tôi. Sau khi xem phim có Lý Tiểu Long đóng, tôi rất háo hức, còn vung tay đánh một quyền. Nhưng tôi chẳng biết làm thế nào để giống như Lý Tiểu Long cả. Cuối cùng tôi nghĩ ra rằng mình phải đi học võ”.
Thế là cậu bé đi học Vịnh Xuân Quyền với tất cả ý chí của mình để nuôi dưỡng ước mơ ấp ủ: trở thành một cao thủ công phu, trở thành một ngôi sao võ thuật như Lý Tiểu Long. Năm đó, cậu bé họ Châu mới lên 9 tuổi.
Khởi đầu khó khăn
Ngày nay, Châu Tinh Trì đã trở thành một trong những nhân vật thành công nhất trong giới điện ảnh Hoa ngữ, được không ít người, bất kể không gian và thời gian yêu thích. Những vai diễn của ông đem đến cho khán giả không ít những nụ cười và nước mắt, cảm thương lẫn căm giận. Nhưng ít ai biết rằng hai mươi năm trước, chàng trai Châu Tinh Trì chỉ là một người dẫn chương trình thiếu nhi và đảm nhiệm các vai phụ trong các bộ phim truyền hình.Tốt nghiệp trung học năm 1983, Châu Tinh Trì từ bỏ tất cả để thực hiện ước mơ tuổi thơ của mình. Anh theo học một lớp bồi dưỡng diễn viên của đài truyền hình Hồng Kông. Nhớ lại năm đó, Châu Tinh Trì cùng thi vào lớp bồi dưỡng đào tạo diễn viên truyền hình của đài truyền hình HK – TVB cùng với Lương Triều Vỹ, nhưng Lương thì đậu, còn Châu thì trượt. Sau đó, Châu Tinh Trì đã mua một đôi giày rất cao để trông mình cao lớn hơn một chút. Lần đó, anh thi đậu.
Sau khi tốt nghiệp anh làm dẫn chương trình cho một tiết mục thiếu nhi. Bốn năm sau đó, Châu Tinh Trì có tham gia các bộ phim truyền hình song không để lại ấn tượng gì đáng kể. Trong khi đó, người bạn của anh, Lương Triều Vỹ đã rất nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp Hồng Kông. Phải chật vật lắm, cuối những thập niên 80, Châu Tinh Trì mới dần định hình theo phong cách hài, mà điển hình là Cuộc sống công bằng, Cái thế hào hiệp, Tôi đến từ giang hồ… là những tác phẩm truyền hình mang phong cách hài của Châu Tinh Trì được người xem yêu thích.
Bước ngoặt đầu tiên đưa Châu Tinh Trì đến với sự nghiệp điện ảnh là bộ phim Tích lịch tiên phong của đạo diễn Lý Tu Hiền, rồi tiếp đó là Bổ phong hán tử vào năm 1988. Với bộ phim Tích lịch tiên phong, Châu Tinh Trì đã giành được giải Kim Tượng lần thứ 25 cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, đây cũng là lần đầu tiên Châu Tinh Trì được khán giả biết tới. Tuy không phải là bộ phim anh tham gia trong tư cách một vai chính nhưng bộ phim Tích lịch tiên phong có ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong sự nghiệp nghệ thuật của vua hài họ Châu.
Trong bộ phim này, Châu Tinh Trì vào vai một tên ăn trộm xe chuyên nghiệp nhưng chính người này đã giúp đội trưởng đội trọng án họ Trương (do đạo diễn Lý Tu Hiền thủ vai) phá một vụ trọng án. Giữa đội trưởng đội trọng án và một tên chuyên ăn trộm từ đó đã nảy sinh một tình bạn tốt đẹp. Cũng chính trong bộ phim này, người ta bắt đầu thấy xuất lộ phong cách diễn xuất độc đáo của vua hài Châu Tinh Trì.
Định hình phong cách
Trong điện ảnh Trung Quốc, người ta gọi phong cách diễn xuất của Châu Tinh Trì là phong cách “không đầu không cuối”. Phong cách diễn xuất này rộ lên từ những năm 90 với các bộ phim hài của Châu Tinh Trì. Đặc điểm của phong cách này là lấy mối quan hệ phi logic giữa ngôn ngữ và hành động, biểu hiện qua việc nhân vật đầy mâu thuẫn nhưng không cách gì dùng ngôn ngữ diễn đạt được để gây cười. Trong diễn xuất của Châu, các nhân vật của ông thường có những hành động phi logic, thậm chí còn điên điên khùng khùng, vừa là một anh hùng, lại vừa là một vai hề. Các nhân vật này thường có khởi đầu rất khó khăn nhưng sau đó đều nhờ cơ duyên nào đó, vượt lên trở thành người giỏi giang.Với giải diễn viên phụ xuất sắc nhất trong bộ phim Tích lịch tiên phong, Châu Tinh Trì đã được đài truyền hình chú ý hơn. Nhưng những bộ phim sau đó của anh hợp tác với đài truyền hình như Tối giai nữ tế, Long Phượng trà lầu, Long tại thiên nhai,… đều không có gì tiến triển trong diễn xuất. Bộ phim đầu tiên định hình phong cách diễn xuất độc đáo của Châu Tinh Trì là Đổ thánh của đạo diễn Lưu Chấn Vĩ. Bộ phim đã đạt được kỷ lục về doanh thu tại Hồng Kông năm 1990. Từ bộ phim này về sau, các bộ phim Đào học Uy Long, Gia hữu hỷ sự, Thẩm tử quan,… đều phá kỷ lục về doanh thu tại Hồng Kông. Có thể nói, Đổ thánh đã mở ra một thời kỳ mới đối với chàng diễn viên trẻ họ Châu, thời kỳ độc bá của vua hài Châu Tinh Trì.
Các nhân vật ông đóng, ban đầu thường là các nhân vật lịch sử, như Đường Bá Hổ, Vi Tiểu Bảo, những võ trạng nguyên, thực thần, đổ hiệp,… Họ đều là những người anh hùng trong văn hóa truyền thống Trung Quốc nhưng lại được Châu Tinh Trì cắt nghĩa và lý giải theo một cách hoàn toàn hài hước và phóng túng. Trong diễn xuất của Châu Tinh Trì, tất cả họ đều trở thành những kẻ hoặc vô học, hoặc tham sống sợ chết, hoặc kỳ quái, hoặc ham ăn tục uống, hành động điên khùng. Nhưng điều khiến người ta xúc động là họ cuối cùng đều chiến đấu cho chính nghĩa.
Hướng đi mới
Từ 2001 với Đội bóng thiếu lâm, ông bắt đầu sáng tác những kịch bản của riêng mình, tự mình làm đạo diễn, biên kịch cũng như diễn viên. Bộ phim diễn xuất cùng Triệu Vy này đã mang đến cho Châu Tinh Trì 4 giải thưởng Kim tượng Hồng Kông lần thứ 21 cho bộ phim xuất sắc nhất, đạo diễn phim xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất và đạo diễn trẻ xuất sắc nhất vào năm 2002. Sau đó bộ phim này cũng đã đem lại cho Châu Tinh Trì nhiều vinh dự khác như giải thưởng Kim tử kinh Hồng Kông lần thứ 7 cho đạo diễn xuất sắc nhất, giải thưởng cho bộ phim thành công nhất do Hội phê bình điện ảnh Hồng Kông lần thứ 8 bình chọn.Từ sau thành công của Đội bóng thiếu lâm, các bộ phim từ Kungfu cho tới bộ phim mới đây nhất là Siêu khuyển thần thông CJ7 (Trường Giang thất hào) vừa mới công chiếu tại Việt Nam, đều do Châu Tinh Trì viết kịch bản làm đạo diễn và thủ diễn viên chính. Vẫn bằng phong cách diễn xuất và đối thoại hài hước, những bộ phim gần đây của Châu Tinh Trì tăng cường thêm nhiều những pha võ thuật đẹp mắt, hoặc tăng cường kịch tính với nhiều ý nghĩa nhân sinh nhằm hướng đến một đối tượng khán giả rộng lớn hơn, vượt ra ngoài khu vực Hồng Kông.
Trong năm nay, theo dự kiến Châu Tinh Trì đang thực hiện hai bộ phim nữa là Kungfu 2 và Long Châu, đều là những sáng tác của nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên tài ba Châu Tinh Trì. Có vẻ như đến nay, mơ ước một ngày được trở thành ngôi sao điện ảnh như Lý Tiểu Long đã trở thành hiện thực. Giờ đây, không chỉ khán giả Hồng Kông mà cả Trung Quốc lục địa, thậm chí toàn châu Á, người ta đều biết đến những vai diễn hài hước của Châu Tinh Trì.
Bạn diễn tâm đắc
Trong các bộ phim thành công của Châu Tinh Trì, người ta thường thấy xuất hiện một nhân vật rất xấu xí, vừa lùn vừa béo, tham ăn tục uống, lại nhát gan, sợ chết, người này thường đóng vai chú, cha, hoặc người hợp tác với Châu Tinh Trì, người đó là bạn diễn tâm đắc nhất của vua hài họ Châu, Ngô Mạnh Đạt. Cùng hợp tác từ các bộ phim truyền hình như Cái thế hào hiệp, Anh ấy đến từ giang hồ, nhưng phải đợi đến Đổ thánh, bộ phim phá kỷ lục doanh thu tại Hồng Kông trong năm 1990, mới mở ra thời kỳ hợp tác vô cùng ăn ý giữa Châu Tinh Trì và Ngô Mạnh Đạt.Từ Đổ thánh đến này, hai người đã hợp tác hơn chục bộ phim, trở thành một cặp đôi rất ăn ý trên màn ảnh. Tất nhiên giữa hai người cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chẳng hạn như khi Châu Tinh Trì khởi quay bộ Kungfu, Ngô Mạnh Đạt đã rất kỳ vọng vào bộ phim này, hy vọng mình sẽ một lần nữa được hợp tác với Châu Tinh Trì. Nhưng lần đó, ông vua hài họ Châu lại không mời Ngô Mạnh Đạt khiến ông rất buồn. Lúc đó, báo chí còn đưa tin ông tuyên bố sẽ không hợp tác với Châu Tinh Trì nữa.
Nhưng sau đó, trong bộ Trù duyên, được khởi quay vào năm 2006, ông lại vui vẻ hợp tác cùng Châu Tinh Trì. Khi hỏi ông về việc ông tuyên bố không hợp tác với Châu Tinh Trì nữa, ông nói, “Hơn 10 năm tôi hợp tác với Châu Tinh Trì, cũng có lúc có xích mích, nhưng đó đều là chuyện nhỏ. Quả thực không có chuyện như báo chí đã phóng đại lên”.
Và cho đến nay, đối với Ngô Mạnh Đạt, diễn viên được ông sùng bái nhất vẫn là Châu Tinh Trì, và người bạn diễn được Châu Tinh Trì yêu mến nhất, đương nhiên vẫn là Ngô Mạnh Đạt.
“Mẹ là người yêu quý nhất”
Trong thông tin cá nhân của Châu Tinh Trì được ghi trên các trang tin giải trí lớn của Trung Quốc, mục người Châu Tinh Trì yêu nhất, bao giờ cũng chỉ có một chữ “người ấy”. Nhiều người thắc mắc không biết đây có phải là người tình trong mộng của ông vua hài Hồng Kông hay không. Mãi tới gần đây, Châu Tinh Trì mới tiết lộ rằng “người ấy” chính là mẹ của Châu Tinh Trì.Châu Tinh Trì còn cho biết thêm, bộ phim mới đây nhất của mình Trường Giang thất hào, cũng là một đoạn ký ức mà anh từng thể nghiệm. Nội dung phim tập trung vào miêu tả cuộc sống của ông bố trong cảnh gà trống nuôi con. Tiểu Địch, đứa con cũng đòi bố mua món đồ chơi nhưng ông bố quá túng quẫn, không cho còn tát Tiểu Địch một cái.
Theo như Châu Tinh Trì kể lại, hồi nhỏ gia đình rất nghèo. Mẹ ông không bao giờ mua đồ chơi cho ông. Ông nhớ lại “Ngày ấy mẹ đã đánh tôi vì tôi đòi mua đồ chơi. Mẹ nhất quyết không đồng ý dù tôi có đòi thế nào đi nữa. Cuối cùng bực quá, bà đã đánh tôi. Khi đó tôi không hiểu gì hết. Còn nghĩ rằng bà thật là chẳng có lý lẽ gì, còn đánh tôi nữa. Vì thế tôi rất buồn bã. Sau này tôi mới biết rằng. Từ khi bố mẹ tôi chia tay, việc nuôi cả ba anh em chúng tôi đều một tay mẹ lo toan. Gánh nặng đối với mẹ rất lớn. Khi đó mẹ đánh tôi, chắc trong lòng bà còn đau hơn tôi nữa”.
Sau khi học xong, anh bắt đầu đi biểu diễn. Ban đầu chỉ diễn những vai không phụ nhưng anh cũng rất chuyên tâm và tỉ mỉ. Trong thời gian này, “dù không đồng ý chuyện tôi đi diễn, nhưng bà vẫn chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm vai diễn thích hợp cho tôi. Gặp ai bà cũng chỉ nói có một câu: “Con trai tôi rất thích diễn kịch, còn biết cả kungfu”.
Mẹ Châu Tinh Trì cũng là một người rất mê ca hát và diễn xướng. Chính điều này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến cậu bé họ Châu. Châu Tinh Trì nhớ lại rằng, hồi đó bà Lăng Bảo Nhi rất mê một ca sĩ đang thịnh hành thời đó, sáng nào trở dậy bà cũng mở radio để nghe và hát theo. “Ngày đó, mẹ tôi còn rất mê từ của chủ tịch Mao Trạch Đông. Bà rất hay hát bài Điệp luyến hoa. Đến nay tôi rất thích từ của chủ tịch Mao, bởi vì mỗi ngày mẹ tôi đều hát bài Điệp luyến hoa”.
Châu còn kể thêm: “Ngày đó, mẹ tôi rất thích diễn kịch. Còn bắt anh em chúng tôi làm khán giả. Bây giờ tôi không nhớ nổi hồi đó mẹ diễn tiết mục gì chỉ nhớ mỗi lần nhìn mẹ biểu diễn trên khán đài là tôi không nhịn được cười. Nhưng sự ảnh hưởng của bà đối với tôi quả thực là rất lớn”.
Hồng nhan tri kỷ trong cuộc đời
Học theo cách nói của Holywood, “những người phụ nữ của James Bond”, trong giới giải trí Hoa ngữ phổ biến một cách gọi “những người phụ nữ” của những đạo diễn hay diễn viên thành danh. Nếu người ta biết nhiều đến danh hiệu “Mưu nữ lang’ (những người phụ nữ của Trương Nghệ Mưu) với ý nghĩa rằng, những diễn viên nữ nào được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chú ý dẫn dắt sau này đều trở nên nổi tiếng, thành danh thì những nữ diễn viên hợp tác với Châu Tinh Trì cũng được mệnh danh là “Tinh nữ lang” (những người phụ nữ của Châu Tinh Trì). Cũng đặc biệt là, những người phụ nữ từng hợp tác với Châu Tinh Trì, hầu hết sau này đều trở nên nổi tiếng, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và chưa thành danh.Trong số những “tinh nữ lang” nhờ vào sự hợp tác với Châu Tinh Trì mà trở nên nổi tiếng, phải kể đến Mạc Văn Úy với Thực thần, Trương Bá Chi với Hý kịch chi vương, Lý Hủy với Kungfu trạng nguyên, Huỳnh Thánh Y với bộ phim Kungfu, rồi Lưu Giai Kiệt với Kungfu trạng nguyên và mới đây nhất là Trương Vũ Khởi với Trường Giang thất hào vừa mới ra mắt. Đến nay, những nữ diễn viên này đều đã trở thành những người nổi tiếng trong làng giải trí. Và đương nhiên, họ đều không quên mình đã từng là một “Tinh nữ lang”.
Một điều thú vị là dù có rất nhiều “tinh nữ lang”, cũng có nhiều chuyện tình cảm đồn đãi, nhưng điều bất ngờ là, hồng nhan tri kỷ của Châu Tinh Trì lại không phải là một trong số những tinh nữ lang kia mà lại là một người phụ nữ ở phía hậu trường: Vu Văn Phượng.
Vu Văn Phượng là con gái duy nhất của Vu Kính Ba, chủ tịch mộđang ct tập đoàn kiến trúc nổi tiếng ở Hồng Kông. Từ năm cô mới 14 tuổi, xem một bộ phim do Châu Tinh Trì đóng, cô mê ngay. Sau năm sau đó, mỗi khi Châu Tinh Trì ra một bộ phim, cô đều thu thập tất cả các bài báo về anh. Cho nên dù chưa từng một lần gặp nhau, nhưng Vu Văn Phượng luôn còn Châu Tinh Trì là người bạn quen biết từ trước.
Hai người gặp nhau trong một tiệc rượu do Hiệp hội bất động sản tổ chức, mời rất nhiều diễn viên nổi tiếng, trong đó Châu Tinh Trì là một khách quý. Trong bữa tiệc đó, ông chủ tịch tập đoàn kiến trúc đã đến trước mặt của Châu Tinh Trì nói: “Châu tiên sinh, con gái tôi là một fan cuồng nhiệt của ông đấy nhé…”. Ngay sau buổi nói chuyện với cô bé Vu Văn Phong ngày hôm đó, Châu Tinh Trì cùng với cô gái kém mình 16 tuổi đã trở thành một đôi bạn thân thiết. Lúc đó, cả hai đều không nghĩ đến họ sẽ là tri kỷ tri âm của nhau.
Từ năm 1996, sau bộ phim Thực thần, Châu Tinh Trì nảy sinh tình cảm với Mạc Văn Úy. Nhưng chẳng bao lâu sau, giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn. Thất bại trên đường tình cảm, Châu Tinh Trì rất suy sụp, một thời gian dài chỉ uống rượu để mua vui. Hồi đó, còn dấy lên trong giới báo chí nhiều suy đoán và đàm tiếu.
Trong những tháng ngày đó, Vu Văn Phượng là người gần gũi, an ủi anh. Cô còn nhiều lần giúp Châu Tinh Trì hàn gắn với Mạc Văn Úy nhưng không thành. Cũng may, nhờ sự giúp đỡ của Vu Văn Phượng, Châu Tinh Trì đã lấy lại được tinh thần, anh dốc sức vào sự nghiệp điện ảnh của mình.
Chính Vu Văn Phượng là người tạo ra sự đột biến trong diễn xuất của Châu Tinh Trì, khi cô nói với Châu rằng: “Em cảm thấy hài kịch không đơn thuần là chỉ chọc cho khán giả cười là đủ. Cái quan trọng hơn là nên để lại cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc hơn”. Chính vì nghe theo gợi ý của Vu Văn Phượng Châu Tinh Trì mới tạo nên sự thay đổi lớn trong quan niệm hài kịch của Châu Tinh Trì.
Mối quan hệ giữa hai người đang tốt đẹp, tuy không nói ra nhưng cả hai đều biết tình cảm của nhau. Nhưng đột nhiên, Châu Tinh Trì không liên lạc gì với Vu Văn Phượng nữa. Khi cô đến tìm Châu, thì Châu một mực đoạn tuyệt, còn nói giữa hai người không hợp nhau, khuyên cô đừng lãng phí thời gian vì mình nữa.
Vào tháng 5/2003, trong một lần Châu Tinh Trì vận động trong nhà không may bị đâu cổ phải vào nằm viện. Họa vô đơn chí, công ty Tinh Huy mà Châu sáng lập cũng vì quản lý không tốt mà mọi người đều muốn bỏ việc. Trong khi đó, Vu Văn Phượng vẫn còn ủ rũ vì bị Châu từ chối tình cảm của mình. Thấy con gái mình tàn tạ vì tình cảm, ông chủ tịch tập đoàn kiến trúc nói cho con gái biết nguyên nhân khiến Châu Tinh Trì đoạn tuyệt với cô.
Nguyên là khi thấy mối quan hệ giữa con gái mình và Châu Tinh Trì được mọi người chú ý, ông không vừa ý. Vu Văn Phượng là con gái duy nhất của ông, ông muốn cô có một gia đình yên ổn. Cuộc sống của một ngôi sao điện ảnh như Châu Tinh Trì chắc chắn sẽ không đem lại cho cô một cuộc sống tốt đẹp vì thế ông chủ động gặp Châu và yêu cầu anh từ bỏ Vu Văn Phượng. Sự thật này đã khiến cô dứt khoát đến thăm Châu Tinh Trì. Cô nói với Châu rằng: “Anh hãy chăm lo nghỉ ngơi, công ty em sẽ giúp anh quản lý”.
Vốn xuất thân trong một gia đình thương gia, lại tốt nghiệp đại học kinh tế ở nước ngoài, một tay Vu Văn Phượng đã vực công ty Tinh Huy dậy. Chỉ trong vài năm còn thu lời được 440 triệu đô la Hồng Kông. Có sự giúp đỡ của Vu Văn Phượng, Châu Tinh Trì dồn mọi tâm chí vào điện ảnh. Sau sự việc này, tuy không ai nói với ai nhưng giữa hai người đã nảy sinh một tình cảm đặc biệt. Sau đó, bộ phim do Châu Tinh Trì biên kịch, làm đạo diễn và diễn viên chính Kungfu đã tạo nên kỷ lục doanh thu tại Hồng Kông và đem lại cho Châu Tinh Trì rất nhiều giải thưởng. Lúc này, Châu Tinh Trì biết rằng mình không thể xa Vu Văn Phong.
Trong cuốn sách Châu Tinh Trì ánh họa xuất bản vào năm 2006, Châu Tinh Trì đã chính thức phát biểu trong cuốn sách này rằng: “Vu Văn Phượng chính là hồng nhan tri kỷ duy nhất trong cuộc đời tôi”.
Châu Tinh Trì mê…mỹ nhân
Từ Tân Tinh Võ môn 1991-bộ phim đầu tiên Châu Tinh Trì đóng sau khi nổi tiếng, tất cả những cô bạn diễn của anh đều phải thật xinh đẹp. Khác với phim Thành Long, sự hiện diện của các diễn viên nữ trong phim Châu Tinh Trì không đơn thuần là “bình hoa di động” mà họ có đất diễn, có số phận gắn liền với nhân vật chính do anh thể hiện. Nhờ vậy mà họ có nhiều cơ hội thành danh và thực tế, không ít diễn viên nữ đã “lên hương” khi tham gia phim Châu Tinh Trì như Chu Ân, Khưu Thục Trinh, Thư Kỳ, Trương Bá Chi…Có vẻ như HongKong không còn mỹ nhân để đưa vào phim, mà Châu Tinh Trì không muốn cứ mãi lặp đi lặp lại những gương diễn viên nữ đã “nhẵn mặt” nên năm 2000, anh bắt đầu thực hiện kế hoạch… “săn lùng mỹ nhân” cho những tác phẩm của mình ở Trung Quốc. Mỹ nhân Đại Lục đầu tiên lọt vào mắt xanh Châu Tinh Trì là Lý Huỷ, đảm nhận vai cô gái xấu xí bán bánh tiêu trong bộ phim Đội bóng Thiếu Lâm. Tuy nhiên, do sức ép của thị trường nên cuối cùng Lý Huỷ chỉ đóng vai cô gái đi đường bị…trượt võ chuối, còn vai nữ chính giao cho “Tiểu Yến Tử” Triệu Vy lúc đó đang nổi đình nổi đám.
Mỹ nhân thứ hai là Huỳnh Thánh Y, cô gái câm điếc bán kẹo trong bộ phim Tuyệt đỉnh công phu. Nhan sắc và khả năng diễn xuất của cô được đánh giá rất cao, ai cũng tin rằng sẽ nhanh chóng “hoá sao”, song tiếc thay, do tự ý nhận show chụp ảnh gợi cảm mà Huỳnh Thánh Y bị Châu Tinh Trì “tẩy chay”. Cô không những bị “đông lạnh” mà còn phải ra hầu toà vào tháng sau vì tội vi phạm hợp đồng. Chính vì vậy, một mỹ nhân khác cấp tốc được tìm kiếm để thay thế đảm nhận vai nữ chính của Tuyệt đỉnh công phu 2. Đó là Lưu Giai Kiệt, cô sinh viên Học viện hí kịch Thượng Hải.
Sau bộ phim Siêu khuyển thần thông, Châu Tinh Trì sẽ bắt tay thực hiện Tuyệt đỉnh công phu 2 và như vậy, Lưu Giai Kiệt sẽ có cơ hội “xuất đầu lộ diện” để “so tài” với các mỹ nhân khác trong phim của “Vua hài” Châu Tinh
0 comments:
Post a Comment