Ngày tựu trường niên khóa 1929 - 1930, tôi lên năm thứ ba. Mới vô tới giữa sân trường Bưởi thì anh Phạm Trọng Bào đã tươi cười chạy lại, khoác tay tôi, bảo:
- Năm nay chúng mình ngồi chung với nhau nhé. Chúng mình được học "Francais" [1] cụ Hàm. Anh là học sinh nội trú nên biết những sắp đặt trong trường trước tôi. Rồi anh khoe:
- Tụi Tây nó cũng phải phục Francais của cụ. Văn cụ phảng phất như văn của Taine. Cụ dùng "temps” [2] thì đúng phép Grammaire de l’Acadêmie [3] không bao giờ sai.
Tôi chưa được đọc Taine, mà Pháp văn của cụ, tôi cũng chỉ mới đọc cuốn Abrégé d’histoire d’annam [4] viết cho học sinh Trung học; nhưng phục cụ thì tôi vẫn phục mà có lẽ tất cả các học sinh trường Bưởi không ai không phục.
Mấy năm trước, những khi thấy cụ đi qua sân trường, tôi thường để ý: cụ đi bộ, lúc nào cũng rảo bước, cụ thấp bé mà bước những bước dài, nhón gót (người ta bảo là tướng yểu), như lúc nào cũng vội vàng - cụ có bao giờ biết thơ thẩn, mơ mộng không nhỉ? - mà ngồi xe đạp thì trái lại, cụ đạp rất chậm, tốc độ đều đều, chỉ độ mười cây số một giờ, tới cửa lớp, cụ thận trọng hãm lại, cho xe nghiêng qua một bên, khoan thai bước xuống, gác xe, gỡ cài kẹp ống quần ra, tháo chiếc cặp phồng những sách vở rồi ôm cặp tiến vô lớp. Gặp bạn đồng sự cụ niềm nở bắt tay, nhưng ít khi đứng lại để trò chuyện; cụ tới lớp không khi nào trễ: nhưng cũng không khi nào quá sớm, chỉ dăm ba phút là cùng, như vậy thì đâu có thì giờ để trò chuyện. Tôi có cảm tưởng cụ là một chiếc đồng hồ mà thì giờ của cụ đã tính trước đâu vào đấy hết. Chúng tôi phục cụ ở điểm đó.
Cụ sống rất giản dị. Từ nhà ở giữa phố Hàng Bông lên trường, đường dài khoảng ba cây số, mà quanh năm, hè cũng như đông, mưa cũng như nắng, ngày nào cụ cũng chầm chậm đạp một chiếc xe cũ; suốt hai năm học cụ, tôi nhớ chỉ một hai lần cụ đi xe kéo vì mưa gió lớn quá hoặc vì trong mình khó ở. Có lần chúng "thổi" mất chiếc xe của cụ và bọn chúng tôi được một dịp cười: con người cẩn thận như vậy mà cũng để mất xe ư? Và chiếc xe "tàng" như vậy mà chúng cũng "thổi" ư?
Y phục của cụ hình như chỉ có vài bộ, mốt cổ lỗ, nhưng lúc nào cũng sạch và có nếp. Tóc thì chắc chắn một tháng cụ mới húi một lần và chỉ khi nào húi cụ mới cạo râu, vì vậy râu cụ đã thưa lại lờm chờm, trông y như limailles de fer [5] và chúng tôi dùng danh từ Pháp đó để đặt biệt hiệu cho cụ.
Cụ có tật nhiều đàm. Không biết từ hồi nào, một học sinh tai quái đã bắt chước bài thuyết hậu Anh nghiện rượu trong cuốn Quốc văn cụ thể của cụ Bùi Kỉ:
Sống ở nhân gian đánh chén phè
Thác về âm phủ dắt kè kè
Diêm vương phán hỏi: mang gì đó?
- Be!
rồi sửa đổi ít chữ để giễu tật trên của cụ.
Lối giễu đó không có gì độc ác vì chúng tôi rất quí cụ. Tôi chưa thấy một bạn học nào tỏ một vẻ gì là oán cụ, hoặc ghét cụ. Ngay những bạn biếng học nhất, nghịch ngợm nhất cũng ngưỡng mộ cụ, coi cụ là một nhà mô phạm kiểu mẫu; một số trong đó có anh Phạm Trọng Bào và tôi coi cụ như cha nữa. Cụ nghiêm trang mà hiền hòa, và tôi chắc cụ không thù ai, ghét ai được, đôi khi thấy chúng tôi nghịch quá thì chỉ cau mày, rầy một câu rồi bỏ qua, mà nụ cười rất hồn nhiên của cụ lại nở trên môi, để hở mấy chiếc răng vàng vàng hơi đóng đen trên một khuôn mặt có thể gọi là xấu: trán dô, mũi gãy, chỉ được cặp mắt là sáng, hiền từ và vui nhờ mấy nét nhăn ở đuôi mắt, người Pháp gọi là pattes d'oie [6].
Cụ dạy Pháp văn và Việt văn cho chúng tôi hai năm liền, năm thứ 3 và thứ 4. Mới vào lớp, cụ nở ngay một nụ cười, cho phép chúng tôi ngồi xuống, rồi chậm rãi bước lên bục, chậm rãi lấy chiếc đồng hồ quả quít ra đặt trên bàn, mở chiếc cặp, lấy sổ sách, cây viết ra, đặt thứ nào vào chỗ nấy rồi mới thủng thẳng giảng bài.
Cụ luôn luôn có hai cây viết: một cây viết máy ngòi vặn vô được (kiểu plume rentrante ngày nay không ai dùng nữa) để viết vô sổ của trường, và một cây viết chì tím, ngắn, nhỏ bằng nửa đầu đũa để viết vô sổ riêng của cụ. Và cụ có một sổ tay nhỏ hơn tấm bưu thiếp trong đó cụ chép tên tất cả các học sinh những lớp cụ dạy. Mỗi khi cụ muốn gọi một trò nào đọc bài hoặc trả bài, cụ mở cuốn đó ra coi chứ không coi trong sổ lớn của trường; như vậy để biết học sinh nào đã có điểm rồi và để học sinh trong lớp được hỏi đều hết. Không bao giờ cụ "truy" riêng một trò nào mà hỏi trò đó nhiều hơn những trò khác. Lối đó rất công bằng, nhưng một số học sinh lần này trả bài rồi thì có thể chắc chắn lần sau khỏi phải trả mà không cần học bài. Chắc cụ cũng biết vậy.
Khi cho điểm, cụ dùng viết máy ghi vào sổ của trường rồi dùng viết chì ghi vào sổ của cụ. Tới cuối năm cụ coi lại sổ tay rồi mới phê trong học bạ. Cụ làm việc có qui củ, rất cẩn thận và công bằng. Tôi không bao giờ thấy cụ viết tháu.
Lối dạy học của cụ rất đúng qui tắc sư phạm: theo sát chương trình, không nhấn mạnh vào phần nào mà lướt qua một phần khác, cũng không giảng ra ngoài chương trình. Cụ theo trình độ của học sinh trung bình trong lớp mà giảng rất rành mạch. Như vậy có lợi cho đa số học sinh mà không có lợi mấy cho hạng học sinh giỏi. Bọn này không cần gắng sức, chú ý, mà tôi cũng chưa bao giờ thấy cụ thúc đẩy, khuyến khích một học sinh giỏi.
Học cụ, chúng tôi thấy "khỏe lắm", nhiều lúc còn hơi chán nữa. Chúng tôi muốn được học nhiều về văn học sử. Phần vì trong bọn chúng tôi, có vài người muốn dự bị thi tú tài Pháp mà cụ không bao giờ giảng ra ngoài cuốn Textes choisis cửa Desgranges; cho nên có lần tôi ước ao được học Pháp văn với cụ Foulon, một giáo sư dạy môn luân lí cho học sinh năm thứ tư, giảng bài nghe rất thích.
Cụ chấm bài luận Pháp văn kĩ, nhưng chú trọng đến những lỗi về ngữ pháp hơn cả, chứ không chỉ cho chúng tôi cách viết sao cho hay, không giảng cho chúng tôi về mĩ từ pháp. Lối phê điểm của cụ cũng rất "trung dung", ít khi cho đến 14 điểm trên 20, mà cũng ít khi cho dưới 6 trên 20. Tính tình và cách dạy của cụ trái hẳn cụ Foulon. Cụ Foulon bắt học sinh gắng sức nhiều, giảng cao hơn chương trình, rất gắt với học sinh kém, nhưng rất thân với học sinh giỏi, tôi còn nhớ hồi sắp về nghỉ bên Pháp, trước giờ học buổi chiều, cụ lại trường từ biệt các học sinh, thấy tôi chưa tới, nhắc các bạn tôi rằng cụ gởi lời thăm và ân hận vì bận nhiều việc không thể đợi để gặp mặt tôi được. Cụ Dương thì không tỏ vẻ yêu ghét ra mặt, đối với học sinh nào cũng như nhau. Cụ dạy Việt văn cũng vậy, cứ mở cuốn Quốc văn trích diễm do cụ soạn, chỉ một bài nào đó, bảo đọc rồi hỏi hết những câu hỏi in ở cuối bài, thế thôi. Cho nên về tiểu sử, bút pháp mỗi tác giả, nhất là về văn trào mới thờiđại, chúng tôi chẳng biết thêm được gì. Điều đó làm cho chúng tôi hơi thất vọng: cụ nhất định là biết nhiều về văn học sử của mình mà sao cụ không truyền những hiểu biết đó cho chúng tôi. Cụ theo quá sát chương trình. Suốt hai năm học chỉ có mỗi một lần tôi thích giờ Việt văn của cụ. Lần đó cụ cho đọc bài Cuộc Nam tiếncủa dân tộc ta của Phạm Quỳnh. Tôi còn nhớ rõ là một buổi chiều có nắng, có lẽ vào mùa hè. Cụ cho treo bản đồ Đông Dương lên chiếc bảng đen, rồi trong khoảng 40 phút, cụ cầm cây thước, chỉ cho chúng tôi các giai đoạn trong cuộc Nam tiến: đời Lí, đời Trần tiến tới đâu, đời Lê, đời Nguyễn tới đâu (sau đó tôi mới thực hiểu nghĩa chữ tâm thực); bằng những phương tiện, thủ đoạn nào: Khi thì dùng quân lực, khi thì dùng ngoại giao, khi thì dùng cả hai, công việc di dân, lập ấp, khai hoang tổ chức, tiến hành ra sao; sự bảo vệ những đất đó gặp khó khăn ra sao, nhờ những di dân Trung Hoa như họ Mạc ở Hà Tiên ra sao.
Hôm đó giọng cụ hùng hồn, bài giảng rất sáng sủa mà hấp dẫn, gợi cho chúng tôi lòng tự hào về tổ tiên. Từ trước tôi vẫn biết cụ là em ruột cụ cử Dương Bá Trạc, một nhà cách mạng trong ĐôngKinh Nghĩa thục, đồng chí với mấy ông bác của tôi, nhưng trong khi dạy học, cụ không bao giờ nói về chính trị, cho nên mãi hôm đó tôi mới thấy rõ cụ nồng nàn yêu nước.
Luận Quốc văn ít khi cụ đem về nhà chấm, thường gọi một trò lên nộp bài, cụ đọc lớn tiếng cho cả lớp nghe rồi thấy lỗi nào cũng giảng luôn cho cả lớp.
Mỗi giờ cụ chấm như vậy được độ năm bài, phê điểm cũng từ 7 - 8 lên tới 13 - 14 trên 20 là cùng. Gần hết giờ cụ mới ra đề mới để về nhà làm. Hình như không bao giờ cụ giảng cho cách làm. Cụ cũng ít khi khuyến khích học sinh đọc thêm sách. Chỉ có một lần, gần tới kì thi bằng Cao đẳng tiểu học, cụ bảo chúng tôi ra thư viện kiếm những cuốn Pour les petits et les grands, A travers les êtes et les choses của Charles Wagner mà đọc. Tôi nghe lời cụ và thấy lối cảo luận của tác giả đó hợp với tuổi chúng tôi, sáng sủa, bình dị, vui tươi, tư tưởng không thực sâu sắc nhưng xác đáng, đôi khi mới mẻ, cao nhã.
Tóm lại học sinh của cụ dễ đậu, nhưng người nào không chịu tự học thêm thì khó xuất sắc được.
*
Thấy cụ dễ dãi - trong hai năm cụ chỉ nổi giận một lần, cũng chỉ phạt nhẹ thôi - anh em chúng tôi thỉnh thoảng muốn trêu cụ.
Giờ Pháp văn hôm đó anh Thiền - sau này hi sinh cho Tổ quốc trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng - đọc một đoạn kịch củaMolière, tới chữ "Ouaisi" anh đọc là "ủa!". Cả lớp cười ồ lên, mà mặt anh cứ thản nhiên, làm bộ bơ bơ, coi càng thêm tức cười. Cụ cũng cười, cười rất hồn nhiên, cơ hồ như đồng tình với chúng tôi. Đợi hết trận cười rồi, anh Thiền lại tiếp tục đọc nốt. Tôi không bao giờ có ý đùa cụ, nhưng đã có lần dò ý cụ. Tôi vẫn ghét cái giọng ái quốc của Hoàng Cao Khải trong bài Trưng Vươngtuyển trong Quốc văn trích diễm. Khải không đáng được ghi tên trong Văn học sử Việt Nam. Kẻ bán nước thì đừng nên nhắc tới sự nghiệp các vị anh hùng của dân tộc. Tôi kiếm cách nói tới Khải trong một bài luận Quốc văn và gọi Khải là "hắn" để xem phản ứng của cụ ra sao. Mà đúng lần đó, cụ bảo tôi đem bài lên chấm. Tới chỗ tôi gọi Khải là "hắn", cụ cứ thản nhiên đọc không phê bình gì cả, rồi cũng cho điểm đạt khá như các bài trước của tôi. Do đó tôi đoán rằng cụ không ưa gì bọn Hoàng Cao Khải, và trongQuốc văn trích diễm, bất đắc dĩ phải trích bài của Khải đấy thôi.
Cảm động nhất và làm cho chúng tôi phục cụ nhất là chuyện dưới đây.
Hồi ấy, không hiểu vì lẽ gì, nha Học chánh Đông Đương lại thay đổi chương trình, bắt học sinh các trường Bảo hộ học các tác giả Pháp viết về thuộc địa mà họ gọi là "auteurs colniaux" [7] và chúng tôi gọi là tác giả "cô lô nhân". Giáo sư Pujarniscle dạy Pháp văn ban "tú tài bản xứ" (baccalauréat local - người ta chế nhau gọi là tú tài lọ cổ) ở trường Bưởi soạn một cuốn văn tuyển của các tác giả viết về Đông Dương như Jean d 'Esme, Roland Dorgelès, Jules Boissière... cho chúng tôi học. Nhưng chúng tôi rất ghét bọn "cô lô nhân" đó, cho họ có óc thực dân, chỉ tiếp xúc với bọn hạ lưu Việt Nam (trong giới các quan lớn cũng không thiếu gì bọn hạ lưu), không hiểu gì về phong tục Việt Nam, mà lại có óc khinh thị người Việt, chép toàn nhưng việc bậy bạ, tưởng vậy là ghi đúng tính tình, tâm lí dân tộc Việt. Chúng tôi ghét nhất cái thói xen những tiếng Việt "pháp hóa" vô cho truyện thêm màu sắc địa phương và tỏ rằng mình biết rõ về Việt Nam. Người dân quê Việt Nam họ không gọi là paysan mà gọi là "nha que", chị Sen không gọi là bonne mà gọi là "la congai", rồi còn nhiều danh từ khác nữa như "le cai nha", "le cai ao"..., chúng tôi thấy chướng mắt, chỉ muốn xé toạc đi. Ghét họ thì ghét luôn lối hành văn của họ mà chúng tôi cho là cầu kì, màu mè, thậm chí ghét luôn cả ông "nghè" Nguyễn Mạnh Tường vì ông đã trình một luận án văn chương về Jules Boissière, cây bút thực dân hạng nặng mà chúng tôi đọc trạnh đi, thành một biệt hiệu B... C... rất tục, không thể chép lại đây được. Lần đó cụ Dương cho chúng tôi học bài Le grand lac của J. Boissière, bài đó chỉ dài độ 15 - 20 hàng tả cảnh Hồ Tây ở Hà Nội, văn trúc trắc chúng tôi không thấy hay ở đâu cả. Có lẽ vì ghét cho nên không muốn học, thấy lâu thuộc. Tới hôm trả bài, bọn chúng tôi 5 - 6 anh em đứng ở cửa hông trường tức cửa nhìn sang vườn Bách Thảo, hỏi nhau. Mày có thuộc bài récitation [8] không? Tao ghét thằng B... C... đó quá, không học được. Ai cũng nhận rằng bài đó khó học và không thuộc kĩ. Rồi chúng tôi hùa nhau mổ xẻ Boissière, vạch tất cả những "tội" của hắn ra. Sau cùng một anh bạn tôi, nhớ đâu như anh Hiệp thì phải, hồi đó chúng tôi gọi là “Hiệp tẩy” vì có thái độ hung hăng, như bọn lính tẩy - hô hào anh em phản kháng cụ Dương: cụ gọi trả bài thì dù thuộc cũng thưa là không thuộc, cụ hỏi tại sao thì đáp lại ghét tác giả thuộc địa đó.
Đối với một giáo sư khác thì có lẽ chúng tôi không dám làm "reo" như vậy đâu; vì biết cụ hiền, có gì cũng chỉ cho zêro, cùng lắm là nửa "consigne" [9] nên chúng tôi tán đồng ngay đề nghị của anh bạn. Vô sân trường, chúng tôi thuyết phục các bạn nội trú và họ cũng bằng lòng.
Mặc dầu đã quyết tâm rồi, tới lúc cụ sắp gọi trả bài, chúng tôi cũng hồi hộp.
Theo lệ, cụ mở cuốn sổ tay ra chấm tên một học sinh vào hạng trung bình. Anh này chắc cũng chỉ thuộc lõm bõm, trả được một vài câu rồi ngừng, thú rằng không thuộc. Cụ gọi thêm một anh khác, cũng không thuộc nữa. Cụ ngạc nhiên, hỏi tại sao. Một anh bạo dạn đứng lên thưa rằng chúng tôi không ai thuộc cả vì không ưa Jules Boíssière, một tên thực dân không có cảm tình với dân tộc mình. Rồi chúng tôi trình với cụ tất cả những điều chúng tôi trách hắn. Cả lớp chờ sự phản ứng của cụ.
Cụ làm thinh một vài phút rồi bỗng nhiên tôi thấy hai giọt nước mắt lăn trên má cụ. Cụ vẫn ngồi yên nhìn xuống phía cuối lớp, cũng không lấy chiếc khăn tay nhỏ xíu bằng vải trắng để lau nước mắt nữa, mặc cho nó rơi xuống mặt bàn và tự khô trên má. Chúng tôi im phăng phắc, kẻ cúi đầu xuống, kẻ nhìn vào mặt cụ. Tôi muốn đứng lên xin lỗi cụ.
Nhưng tôi không thốt lên được một lời - cả lớp cũng không ai thốt lên được một lời - mà cứ ngồi trân trân. Có lẽ khi cảm xúc mạnh quá thì sự yên lặng là thái độ tự nhiên nhất. Giá lúc đó tôi đứng lên nói thì thế nào tôi cũng nghẹn ngào mà nước mắt cũng ròng ròng trên má.
Cụ và chúng tôi ngồi im như vậy không biết mấy phút, chỉ nhớ là lâu lắm, rồi cụ bảo chúng tôi mở bài Le grand lac ra, cụ giảng lại cho, để về nhà học lại. Hôm đó cụ không cho điểm ai cả.
Tan buổi học, chúng tôi không ai bảo ai, đồng tình không nhắc lại việc đó nữa. Chúng tôi đều ân hận về hành động của mình, và tuần sau khi trả bài thì ai cũng thuộc. Mà lần này cụ cũng chỉ gọi vài người trả thôi, không có một lời nào gợi lại chuyện cũ.
Nếu phải là một giáo sư khác thì chúng tôi cũng được 5 - 6 con zêro hoặc ít nhất cũng bị rầy một hồi. Có thể một vài vị còn gắtgao "truy" chúng tôi nữa, bắt cả lớp tuần tự lên trả bài, lần trước cũng như lần sau. Cụ thực quảng đại, đau lòng trước sự phản kháng của chúng tôi mà không hề giận, tha thứ cho cả. Những giọt nước mắt của cụ hôm đó chứa biết bao tâm sự.
Trong đời học sinh dài 15 năm của tôi, tôi đã gặp được vài ba thầy học có tư cách mà tôi kính trọng, nhưng cụ Dương vẫn là người tôi kính mến nhất. Tôi cho rằng chúng tôi có phúc mới được sống một giờ học vô cùng cảm động như hôm đó, mới được thấy cụ khóc trước mặt chúng tôi như vậy, mới được nhận một bài học lặng lẽ ơaf cao thượng như vậy. Cha mẹ mà lặng lẽ đau khổ vì hành động của con, thì đó là chuyện thường; nhưng thầy học đau khổ vì hành động của trò thì từ xưa đến nay đã có một trường hợp nào như vậy không?
Đầu thu năm đó, anh Phạm Trọng Bào và tôi, một buổi tối rủ nhau lại phố Hàng Bông thăm cụ và cám ơn cụ đã dạy bảo chúng tôi. Nhà cụ có gác, căn dưới là cửa hàng bán bông. Chúng tôi xưng tên, đứng đợi một lúc rồi có người bảo chúng tôi lên gác. Thang dốc và bằng gỗ. Ánh đèn lù mù, tôi không nhớ là đèn điện hay đèn dầu. Vừa lên hết cầu thang thì cụ ở phòng trong bước ra.
Chúng tôi chào cụ, tỏ lòng cảm ơn cụ. Cụ không bảo chúng tôi ngồi mặc dầu trong phòng có bàn ghế, cụ đứng cách chúng tôi khoảng một thước, mà tiếp chuyện, mừng chúng tôi thi đậu và hỏi chúng tôi sẽ tiếp tục học nữa không. Vẫn nụ cười hồn nhiên, niềm nở đó. Anh Bào bảo sẽ lên ban Tú tài Bản xứ và sẽ được cụ dạy dỗ cho nữa. Tôi thưa vì nhà nghèo, phải vô trường Cao đẳng Công chánh để có học bổng. (Thời đó vào năm 1931, kinh tế khủng hoảng nặng). Nhưng chúng tôi thấy hình như cụ mắc việc nên chỉ đứng vài phút tôi chào cụ ra về.
Từ đó tôi không có dịp gặp lại cụ nữa. Nay muốn gặp lại thì cụ đã thành người thiên cổ. Khoảng mười lăm năm trước, khi hay cụ đã soạn bộ Việt Namvăn học sử yếu, tôi nhờ một anh bạn mua từ Hà Nội gởi vào. Bộ đó tôi thuê đóng bìa dày, và tôi coi là một bộ quí nhất trong tủ sách của tôi.
Tháng 10 năm 1996
(Bách Khoa số 1 - 11 - 1966)
---
Chú thích:
[1] Francaise: Pháp văn.
[2] Temps: thì (trong ngữ pháp)
[3] Grammaine de académie: ngữ pháp hàn lâm.
[4] Abrégé d’histoire d’Anlam: Giản yếu lịch sứ An Nam
[5] Limai/1es de fe:r mạt sắt, mài dũa (BT)
[6] Pattes d'oic: vết nhăn đuôi mắt (BT).
[7] Auteur Coloniaux: tác giá thuộc địa (BT).
[8] Récitation: bài học thuộc lòng(BT)
[9] Consigne: cấm túc, phạt giữ lại trường (ngày nghỉ) (BT)
Nguồn:
Nguyễn Hiến Lê. "Thầy học tôi: cụ Dương Quảng Hàm." Để tôi đọc lại. NXB Văn học, 2001.
0 comments:
Post a Comment